(NLĐO) – Ngày 15-3, tin từ Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết vừa điều trị thành công cho 6 bệnh nhân bị sa sinh dục nữ (hay còn gọi là sa tạng chậu) bằng phương pháp chỉnh sửa qua nội soi ngả bụng.
Sau can thiệp, sức khỏe của các bệnh nhân hồi phục nhanh, xuất viện sau 2 ngày theo dõi.
Theo bác sĩ khoa sản của Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, sa sinh dục nữ thường gặp ở những phụ nữ sinh nhiều lần bằng ngả âm đạo hoặc có bệnh lý tăng áp lực trong ổ bụng như táo bón kinh niên, ho kéo dài và phụ nữ thường xuyên lao động nặng. Sa sinh dục thường gặp ở 1/3 phụ nữ sau mãn kinh, ở phụ nữ sinh ngả âm đạo tỉ lệ này là 50%. Bệnh cũng có thể là bẩm sinh. Ở trường hợp bẩm sinh, thời gian bị sa sinh dục sẽ đến sớm hơn trước tuổi mãn kinh.
Bác sĩ Lê Văn Lịnh, Trưởng Khoa Sản của Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, thăm bệnh nhân sau can thiệp sa sinh dục. Ảnh: PHƯƠNG CHI
Bệnh có nhiều mức độ, từ nhẹ (mức độ 1-2) đến nặng (mức độ 3-4). Tùy từng mức độ sẽ có triệu chứng và cách điều trị khác nhau. Triệu chứng ban đầu là cảm giác khó chịu vùng cửa mình, cảm thấy nặng vùng bụng dưới. Sau đó có thể thấy một khối sa ra hẳn ngoài âm đạo. Bệnh có thể là sa đơn thuần (chỉ sa 1 cơ quan) hoặc sa phối hợp (sa 2 hoặc nhiều cơ quan). Đã có trường hợp sa cả 3 cơ quan: tử cung, bọng đái và trực tràng. Bệnh sa sinh dục nếu không điều trị có thể ảnh hưởng đến tình hình sức khỏe chung, khó khăn trong sinh hoạt, biến chứng bí tiểu và phải giải quyết cấp cứu.
Nói về quá trình điều trị cho 6 bệnh nhân bị sa sinh dục nữ, bác sĩ Lê Văn Lịnh – Trưởng Khoa Sản của Bệnh viện Đa Hoàn Mỹ Cửu Long – cho biết tùy từng loại sa và từng mức độ bệnh mà có giải pháp khác nhau. Ở mức độ nhẹ, có thể điều trị bằng cách tập vật lý trị liệu tăng cường sức nâng đỡ vùng chậu. Ở mức độ nặng hơn sẽ cần can thiệp ngoại khoa, phẫu thuật chỉnh sửa hoặc thay thế những cấu trúc giải phẫu bị khiếm khuyết. Trong đó, phương pháp tối ưu là chỉnh sửa qua nội soi ngả bụng mà 6 bệnh nhân vừa được áp dụng.
Theo phương pháp điều trị này, dụng cụ sẽ được đưa qua những lỗ nhỏ qua thành bụng để đặt lưới sinh học, khắc phục những khiếm khuyết vùng chậu, giúp phục hồi chức năng vùng chậu và nâng đỡ các tạng trong vùng chậu. Đây là một trong những phương pháp tối ưu trong điều trị bệnh sa sinh dục nữ với nhiều ưu điểm: hiệu quả cao (tỉ lệ thành công >90%), ít mất máu, khả năng hồi phục và xuất viện nhanh, ít nguy cơ nhiễm trùng, phù hợp với mọi đối tượng và xác suất thải ghép hoặc xói mòn dưới 5%.