(NLĐO)- Nghiên cứu đột phá của Anh đem lại hy vọng cho nhiều bệnh nhân ung thư vú nhờ giải mã được hầu hết các cơ chế di truyền liên quan đến căn bệnh.
Trong bài báo vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications, nhóm tác giả đến từ Viện nghiên cứu Ung thư London (Anh) đã gây chấn động khi công bố danh sách 110 gene làm tăng nguy cơ với bệnh ung thư vú ở phụ nữ.
Trước đây, người ta biết nhiều ca ung thư vú có nguyên nhân di truyền nhưng số gene gây bệnh được xác định chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó nổi tiếng nhất là BRCA 1 và BRCA 2. Nữ minh tinh Angelina Jolie thậm chí quyết định cắt bỏ hoàn toàn hai bên ngực sau khi biết mình mang đột biến gene BRCA 1.
110 gene liên quan đến ung thư vú mới được phát hiện đem lại hy vọng cho các phương pháp chẩn đoán và điều trị mới hiệu quả hơn – ảnh: SHUTTERSTOCK
Tiến sĩ Olivia Fletcher, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết họ đã tạo ra một bản đồ chi tiết các vùng nguy cơ của ung thư vú, từ đó nắm bắt các gene cụ thể tạo nên những vùng nguy cơ đó.
Một công cụ mang tên Capture Hi-C đã được sử dụng để lập các bản đồ tương tác cũng như “bắt cóc” các gene có liên quan đến căn bệnh.
Theo Giáo sư Paul Workman, Giám đốc Viện Nghiên cứu Ung thư London, sự hiểu biết mới về các gene sẽ giúp các nhà khoa học có cơ sở đển nghiên cứu và cho ra đời các loại thuốc nhắm trúng đích hiệu quả hơn cũng như các chiến lược để cải thiện chẩn đoán và phòng ngừa bệnh.
Ung thư vú được coi là một trong những loại ung thư nguy hiểm nhất ở phụ nữ. Một số nam giới cũng có thể mắc. Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), phụ nữ nên thường xuyên kiểm tra ngực và đến gặp bác sĩ ngay nếu có một trong các triệu chứng sau: thay đổi kích thước hoặc hình dạng của một hoặc hai bên vú; một cục u hoặc sưng ở nách; sự thay đổi, nhăn nheo bất thường ở da vùng ngực; phát ban trên hoặc quanh núm vú; núm vú thay đổi hình dạng hay tự nhiên bị thụt vào…