Ở thời điểm hiện nay, bán hàng order đang là hình thức kinh doanh khá phổ biến, đặc biệt đối với người kinh doanh ít vốn. Nhờ nhu cầu cao của thị trường đối với các sản phẩm hàng order từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Quảng Châu hay các nước châu Âu như Đức, Pháp, Nga nên các mặt hàng order ngày càng bán chạy và trở thành xu hướng kinh doanh nổi bật. Nhưng có rất nhiều người bán hàng order thắc mắc về vấn đề có phải đăng ký kinh doanh hay không? Hãy cũng với Luật sư X tìm hiểu về vấn đề này. |
Căn cứ pháp lý
- Luật Doanh nghiệp 2014
- Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử
Nội dung tư vấn
1. Bán hàng order là gì?
Bán hàng order được hiểu là khách hàng đặt mua sản phẩm theo nhu cầu trước, sau đó bên nhận đặt hàng mới bắt đầu tiến hành mua hàng và vận chuyển hàng về cho khách hàng. Với cách bán hàng này, người bán hàng thường không có hàng sẵn, hoặc chỉ có một số lượng hàng hạn chế bởi họ thường chỉ là người trung gian để đặt hàng và mua hàng theo yêu cầu của khách hàng, thường là nguồn hàng từ các quốc gia khác. Khi nào có khách đặt hàng thì bên bán mới nhập về bán để hưởng chi phí chênh lệch.
Nói cách khác, bán hàng order giống như kiểu mua hàng hộ theo nhu cầu của khách hàng đồng thời rất phù hợp với người kinh doanh có số vốn ít. Order là hình thức mua bán hàng online phổ biến nhất ngày nay có thể thông qua các trang website, facebook các ứng dụng như shopee, sendo với ưu thế tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ và khâu logistics để đáp ứng nhu cầu mua hàng của khách hàng.
2. Bán hàng order có cần đăng ký kinh doanh?
Theo Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP thì chỉ có một số nhóm đối tượng đặc thù mới được miễn nghĩa vụ đăng ký kinh doanh, gồm:
“ 1. Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:
a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.
2. Kinh doanh lưu động là các hoạt động thương mại không có địa điểm cố định.”
Theo quy định ở trên, bán hàng order không thuộc đối tượng kinh doanh được miễn đăng ký nên sẽ phải tiến hành đăng ký kinh doanh theo đúng quy định.
Việc không tiến hành đăng ký kinh doanh bị xử phạt hành chính, cụ thể quy định tại Điều 6 Nghị định 124/2015/NĐ-CP:
“2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định.”
Ngoài yêu cầu nêu trên, những người bán hàng order cần nắm được thông tin về những mặt hàng không được bán trên mạng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Hy vọng bài viết hữu ích cho bạn!